Cà phê chồn luôn được xếp vào một trong những loại cà phê đắt đỏ và quý hiếm nhất thế giới, với mức giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng một ký. Được biết đến là loại cà phê xuất phát từ phân chồn, vậy điều gì khiến cho cà phê chồn trở nên đắt đỏ đến vậy ? Cùng DELIGHT tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
1. Cà phê chồn chính là… phân chồn!
Cà phê chồn hay còn gọi là Kopi luwak, thực chất là cà phê phân chồn. Khi ăn quả cà phê, chồn hương nhả lớp vỏ bên ngoài, nuốt phần thịt và hạt bên trong. Vì không tiêu hóa được nên cả phần hạt cà phê được chồn hương thải ra ngoài. Hạt cà phê lúc này đã được lên men nhờ vào các enzym có trong dạ dày chồn, chính các enzym đã làm biến đổi cấu trúc protein có trong hạt cà phê, khiến một số acid bị loại bỏ và làm hương vị cà phê chồn trở nên đặc biệt hơn.
Cà phê chồn có mùi vị béo ngậy, vị chua của hạt cà phê sẽ thanh hơn rất nhiều so với hạt ban đầu, hương vị cũng trở nên đặc biệt, thơm ngon hơn các loại cà phê thông thường. Quá trình này khiến hạt cà phê chồn sau khi rang xong trở nên cứng và giòn hơn, ít protein. Khi pha thành đồ uống, độ đắng của cà phê sẽ giảm đi, hương vị rất mạnh, đặc biệt thơm ngon hơn những loại cà phê thông thường, được miêu tả mùi thoang thoảng giống với mùi mốc nhưng vô cùng khác lạ, bởi cái vị đăng đắng pha lẫn với với hương vị ngọt ngào, đậm đà của socola, caramel hay các loại hương hoa trái.
Xem thêm: Cà phê Arabica Mộc nguyên chất 100% từ Cầu Đất - Đà Lạt
2. Nguồn gốc của cà phê chồn
Cà phê chồn được phát hiện vào khoảng đầu thế kỷ 18 trong thời kỳ Indonesia là thuộc địa của Hà Lan. Khi đó, nông dân Bali bị cấm thu hoạch cà phê theo nhu cầu cá nhân, hệ quả là cà phê rụng đầy đường. Một thời gian sau đó, người dân nhận thấy những con chồn hương khi ăn cà phê sẽ không tiêu hóa được, và sử dụng hạt này để chế biến, đã tạo ra một loại đồ uống thơm ngon hơn hẳn cà phê bình thường.
Xem thêm: Quá trình hình thành cây cà phê ở Việt Nam
3. Vì sao cà phê chồn lại đắt ?
Được biết, giá cà phê chồn nuôi dao động ở mức 20.000.000 đồng/kg và 70.000.000 đồng/kg đối với hạt cà phê chồn tự nhiên. Các nguyên nhân dẫn đến mức giá cao đó chính là:
3.1. Sản lượng cà phê chồn vô cùng hạn chế
Sau khi phát hiện ra mùi vị đặc biệt của cà phê chồn, loại cà phê này nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng trên khắp thế giới. Tuy vậy do loài chồn chỉ phân bố ở một số khu vực cố định đồng nghĩa với việc chỉ có một vài quốc gia mới có thể sản xuất được loại cà phê này như Indonesia, Việt Nam, Ethiopia… Chẳng hạn, thương hiệu cà phê chồn của Indonesia Kopi Luwak mỗi năm chỉ sản xuất từ 200 – 300kg.
3.2. Chồn hương chỉ ăn những hạt cà phê có chất lượng tốt nhất
Bạn có biết rằng, chồn là loại động vật có khả năng đánh hơi vô cùng tốt nên chúng chỉ chọn những hạt cà phê ngon nhất trên cây cà phê để ăn. Đó là những hạt chín mọng, không bị sâu bệnh, không bị nứt, xước và không có nhựa bám bên ngoài. Do vậy cà phê chồn chính là những hạt cà phê được chọn lọc kỹ càng nhất, những hạt chất lượng nhất thông qua những chú chồn chuyên gia này.
Xem thêm: Tại sao chất lượng cà phê Arabica Cầu Đất luôn được đánh giá cao ?
3.3. Cà phê chồn có hương vị đặc biệt, thơm ngon
Theo đánh giá từ các chuyên gia cà phê, khi thưởng thức cà phê chồn, bạn sẽ cảm nhận được khá rõ ràng về cả hương lẫn vị của loại cà phê này.
Về hương cà phê chồn:
Khi nhấp ngụm cà phê đầu tiên, bạn dễ dàng nhận ra ngay mùi mật ong thuần khiết lẫn mùi socola sữa tỏa lên, kế đến là mùi của trái cây ngọt chín. Sau khi cà phê đi vào cuối vòm họng, bạn sẽ cảm nhận mùi của socola đen và mùi bánh mì nướng rất nhẹ.
Nhấp ngụm thứ hai, bạn hít vào bằng miệng, ngậm 1 ít cà phê trong miệng và thở mạnh ra bằng mũi, bạn sẽ cảm nhận hương hoa xông lên mũi và các khoang, gần như tràn ngập không gian trên đỉnh đầu của bạn. Một thứ hương khiến bạn lâng lâng, ngây ngất không diễn tả hết được. Mùi hương của ly cà phê chồn, tuy bạn đã uống xong, nhưng vẫn sẽ còn lưu lại, phảng phất trong cổ họng một thời gian dài sau đó.
Về vị cà phê chồn:
Ở ngụm đầu tiên, bạn để cho nước cà phê chồn tan mỏng trên lưỡi và trong vòm họng, miệng của bạn có một cảm giác kì diệu, một cảm giác rất tinh tế, the the giống như mới đánh răng với kem bạc hà. Cảm giác này lan dần từ đầu lưỡi, xuống vòm họng và lan tỏa đến toàn cuống họng, vị ngọt dịu bao phủ cơ quan xúc giác và vị giác nơi cuối lưỡi.
Vị của cà phê chồn đắng rất dịu, dễ chịu, không giống như bất kỳ vị đắng của loại cà phê nào khác, và vị đắng dịu dàng này hòa quyện với vị ngọt thanh tao tự nhiên, tạo ra một phong vị rất đặc biệt, mượt mà, tao nhã, rất lưu luyến. Trong và sau khi uống cà phê chồn, bạn luôn cảm nhận vòm họng, nhất là ở cổ họng luôn có dư vị ngọt ngào rất quyến rũ.
4. Quy trình chế biến cà phê chồn
Để mang đến những hạt cà phê chồn chất lượng, đòi hỏi một quy trình chế biến đầy công phu và phức tạp
Đầu tiên, phân có lẫn hạt cà phê do chồn thải ra phải được gom nhặt trong vòng 24 giờ để tránh nhiệt độ làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê hoặc bị côn trùng đục khoét. Sau đó, hạt cà phê được mang đi tẩy rửa, xối qua dòng nước đang chảy để loại bỏ vi khuẩn và tạp chất.
Hạt cà phê sau khi tẩy rửa sạch sẽ được phơi dưới ánh nắng mặt trời sao cho độ ẩm sau khi phơi dao động ở mức 10 – 12%. Hạt cà phê sau khi phơi sẽ có màu sáng trong, khi rang sẽ thơm ngon hơn cà phê sấy.
Sau khi kết thúc quá trình phơi, người chế biến sẽ cho hạt cà phê vào máy để tách bỏ lớp vỏ bên ngoài còn sót lại và tiếp tục đưa cà phê vào giai đoạn sàng lọc thủ công để phân chia ra từng hạt cà phê.
Tiếp theo là quá trình rang xay hạt cà phê chồn. Người ta cho hạt cà phê vào chảo có hình tròn hoặc trụ kín, có trục quay nối với tay cầm. Trục quay được đặt trên bệ đỡ, bên dưới là bếp đun bằng than, củi… Nhiệt độ chảo rang cà phê nóng từ 230 – 240 độ C, nên chỉ cần khoảng 10-20’ sau, bạn dễ dàng ngửi thấy sự biến hóa đặc sắc về mùi hương mà hạt cà phê chồn mang lại.
5. Tạm kết
Như vậy, DELIGHT đã giới thiệu sơ lược đến bạn đọc một số thông tin cần biết về loại cà phê chồn đắt đỏ bậc nhất, và vì sao nó lại có giá thành cao đến vậy. Bạn còn biết thông tin thú vị nào khác không, cùng chia sẻ với DELIGHT nữa nhé.