
Cà phê luôn được ưa chuộng ở khắp mọi nơi trên thế giới và dần trở thành thói quen trong đời sống thường nhật của rất nhiều người. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng chục, hàng trăm mô hình bán cà phê ở khắp nẻo đường: những chiếc xe cà phê mỗi sáng ở mọi nơi, hình ảnh người người nhà nhà ngồi thưởng thức một ly cà phê vỉa hè rồi cùng nhau bàn luận, tán gẫu, trò chuyện với nhau từ người già đến người trẻ. Cà phê thân thuộc với người Việt như vậy nhưng bạn có biết cà phê có hình dạng ra sao, và phát triển ở môi trường thế nào không? Cùng DELIGHT tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
1. Quá trình hình thành của cây cà phê
1.1. Chiều cao lí tưởng và tuổi thọ cây cà phê
Cây cà phê là loại cây thân gỗ nhỏ, giống cây trà xanh, cao khoảng 4 đến 6m đối với hạt Arabica, còn Robusta cao từ 8 đến 12m. Tuy nhiên, để cây không quá cao dẫn đến khó thu hoạch, nên các nhà vườn thường hãm cây bằng cách cắt đọt, tỉa cành trong thời gian mới trồng (khoảng 2 đến 3 năm tuổi) để tạo tán, và sẽ không cho cây cà phê cao hơn 2m nếu thu hoạch bằng tay. Còn nếu cây cà phê cao hơn 2m và thấp hơn 3m, thì cho thu hoạch trái cà phê chín bằng máy.
Cây cà phê cho thu hoạch sau 2 hoặc 3 năm, từ lúc mới trồng, rồi bắt đầu cho hoa và quả ít dần sau 25 đến 30 năm. Tuy nhiên, cà phê là cây công nghiệp lâu năm, nên chúng có tuổi thọ lên đến khoảng 100 năm.
1.2. Hoa cà phê
Lá cây cà phê có màu xanh, đường viền gợn sóng giống lá chè xanh. Lá cây cà phê Robusta lớn hơn Arabica. Cây cà phê cho ra nụ hoa ngay trên những nách lá, có dạng chù, chứa 2 đến 19 nụ đối với Arabica, và nhiều hơn cho Robusta. Hoa cà phê sẽ nở sau 8 đến 10 ngày kể từ lúc có nụ, nụ cà phê sẽ dần chuyển sang màu vàng cam. Sau những cơn mưa kéo dài, các chùm hoa cà phê dần nở ra với màu trắng xóa bạt ngàn và hương thơm ngan ngát. Hoa cà phê sẽ ít dần nếu gặp mùa nắng kéo dài, và khi mùa hoa chuẩn bị nở, nếu gặp hạn thì các nhà vườn phải tưới nước thường xuyên cho tới khi nụ bung hoa. Hoa cà phê sẽ nở hoa 2 đến 3 lần trong một năm.
1.3. Hạt cà phê
Sau từ 2 đến 3 ngày ra hoa, cây bắt đầu thụ phấn cho ra trái. Cà phê Arabica tự thụ phấn, trái cà phê sẽ chín sau 8 đến 9 tháng. Đối với hạt cà phê Robusta, trái cà phê sẽ chín sau 9 đến 11 tháng, và loại hạt này thụ phấn chéo.
Trái cà phê chưa chín màu xanh, ăn có vị chát, trái cà phê già dần và từ từ chuyển sang màu vàng cam, rồi đỏ giống như trái sơ ri chín, ăn có vị ngọt rất hấp dẫn, cuối cùng chuyển sang màu đỏ thẫm khi quá chín và không thu hoạch kịp. Trái cà phê có 2 hạt, cà phê Robusta hạt dài 6 đến 8mm, còn Arabica hạt dài từ 8 đến 11mm. Thỉnh thoảng, trái cà phê sẽ cho một hạt gọi là cà phê Culi do quá trình khiếm khuyết trong khi thụ phấn. Cafe Arabica thường chín sớm từ tháng 9 đến tháng 10, cũng là mùa thu hoạch, còn Robusta trái chín dần từ tháng 10 đến tháng 12. Cà phê sẽ chín sớm cho những vùng có khí hậu nắng ấm, và sẽ chín chậm cho những vùng có khí hậu se lạnh.
2. Đặc tinh hương vị và phân vùng của cây cà phê
Tại khuôn khổ bài viết này, DELIGHT giới thiệu đến bạn 2 loại chính: Arabica và Robusta.
2.1. Cà phê Arabica
Hay còn gọi là cà phê chè, có hình dáng hạt dẹt dài, khe hạt cong hình dấu ngã. Hạt có màu xanh ngọc. Ở Việt Nam, Arabica phân bố chủ yếu ở Đức Trọng lên Đà Lạt, Lâm Đồng, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La,... Arabica ở Đà Lạt và Sơn La chất lượng tốt hơn so với các vùng khác, vì độ axit cao hơn (chua thanh hơn).
Khi nói về Arabica, người ta thường ví loại hạt này như người thiếu nữ, bởi nó có độ chua thanh và hương thơm thoang thoảng, có vị ngọt. Đây là 3 đặc tính chủ yếu của hạt cà phê Arabica. Ngoài ra, Việt Nam còn có vài vùng cà phê có hương vị quyến rũ gây ấn tượng cho nhiều khách hàng trong và ngoài nước như: cafe Arabica Cầu Đất, Núi Min của tỉnh Lâm Đồng…. Arabica Lâm Đồng thường có màu xanh ngọc sau khi chế biến bề mặt hạt nhẵn bóng, còn Arabica Sơn La và Quảng Trị hay bị lốm đốm trên bề mặt hạt, dân gian hay gọi là bệnh gỉ sét.
2.2. Cà phê Robusta
Robusta tức cà phê vối, tập trung ở các vùng Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Long Khánh - Đồng Nai Bình Phước, Vũng Tàu. Robusta lại được ví như người thanh niên trưởng thành, bởi người ta thường xét về thể chất (Body), hương thơm nồng, vị đắng, chát.
Thể chất cà phê đặc trưng từng vùng có sự khác nhau một ít về màu sắc của hạt và vị nếm.
- Robusta Gia Lai - Kon Tum:
Hạt có màu xanh nhạt , bắt mắt, vị Robusta nhẹ hơn so với Robusta Đắk Lắk
- Robusta Đắk Lắk
Hạt có màu nâu vàng, sậm màu, vị nếm Robusta đậm. Tuy cafe trồng ở mỗi huyện có khác nhau một ít, nhưng tổng thể body vị nếm của cà phê Đắk Lắk là cao nhất, đặc biệt là ở huyện Buôn Hồ. Tuy cà phê nơi đây nhìn không đẹp mắt, hạt cà phê hay bị nhuốm màu đất đỏ, không tươi màu như cà phê Gia Lai, nhưng vị rất đậm đà. Đây cũng là vùng được người Pháp dùng làm nông trường cà phê đầu tiên ở Đắk Lắk.
Tỷ lệ hạt to nhiều, vì nơi đây trồng nhiều giống cao sản, hạt có màu trắng nhiều hơn so với vùng khác. Lý do là nơi đây thường xay quả tươi phơi cho mau khô, vì nắng yếu và thời tiết lạnh. Trong quá trình phơi, sau khi xát tươi, hạt cà phê dễ nhiễm bẩn trong quá trình quét hốt, nếm hay bị lỗi men, mốc. Body ở mức độ trung bình, thể chất Robusta đậm hơn Gia Lai nhưng nhẹ hơn Đắk Lắk.
- Robusta Đắk Nông
Được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk trước kia, cà phê vùng này thể chất ở mức khá, gần giống hạt cà phê Đắk Lắk, nhưng thể chất body nhẹ hơn.
- Robusta Long Khánh
Màu sắc vàng nhạt, nhìn giống như cà phê vụ cũ của Đắk Lắk, thể chất yếu. Sản lượng giảm nhiều do quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp.
3. Tạm kết
Phải thừa nhận rằng, ngành công nghiệp cà phê hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền kinh tế nước nhà, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Vậy là DELIGHT đã giới thiệu đến bạn đọc những đặc tính hương vị của 2 loại cà phê chính: Robusta và Arabica phân bố theo vùng trồng chủ yếu tại nước ta. Qua đó, bạn đã có thể biết được, với loại cà phê nào, được trồng ở đâu, thì sẽ có giá trị kinh tế hoàn toàn khác nhau. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về thế giới cà phê.
Từ : Văn hóa cà phê Việt thế kỉ XXI, Văn hóa và Kĩ thuật